Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Tranh cãi về điện hạt nhân ở Nhật sau sóng thần



Sau khủng hoảng hạt nhân Fukushima, chỉ còn hai trong số 54 lò phản ứng thương mại của Nhật Bản còn hoạt động, trong khi cuộc cân nhắc giữa nguy cơ và lợi ích mà điện hạt nhân mang lại đang khiến chính phủ cũng như người dân đau đầu.


>

Diễn biến khủng hoảng hạt nhân Nhật Bản



>

Sau sóng thần, Nhật lường trước nguy cơ hạt nhân














Nhà máy điện hạt nhân Ohi. Ảnh:

The New York Times



Theo kế hoạch, lò phản ứng cuối cùng đang hoạt động sẽ tạm đóng cửa vào tháng sau. Nhật Bản, quốc gia từng dẫn đầu trên thế giới về năng lượng nguyên tử, chí ít sẽ phải tạm đóng cửa một ngành công nghiệp từng cung cấp một phần ba nguồn điện cho đất nước này.



Vì không có nhiều giải pháp, Thủ tướng Yoshihiko Noda kêu gọi khởi động lại các nhà máy càng sớm càng tốt. Ông ủng hộ việc dần thoát khỏi sự lệ thuộc vào điện hạt nhân trong vài thập kỷ tới. Tuy nhiên, lo ngại về phản ứng của dư luận, Noda cho biết sẽ không cho khởi động lại các lò phản ứng nếu như không được sự chấp thuận của các nhà lãnh đạo cộng đồng địa phương.



Cho đến nay, Nhật rất thành công trong việc giữ đủ nguồn cung điện, một phần nhờ vào các chương trình tiết kiệm điện nghiêm ngặt, chẳng hạn như tắt điều hòa trong mùa hè hoặc không bật điện văn phòng vào ban ngày. Nhật cũng tăng công suất phát điện từ các nhà máy điện thông thường, mặc dù nguyên liệu đầu vào cho các nhà máy này là khí ga tự nhiên hoặc than thường làm tăng giá thành phát điện. Quốc gia này từ trước đến nay vốn đã phải đối mặt với những khó khăn từ việc phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ nước ngoài.



Việc mất đi nguồn điện hạt nhân còn làm ảnh hưởng đến Nhật ở một khía cạnh khác. Các nhà kinh tế chỉ trích việc giá năng lượng tăng cao gây ra nhập siêu cho nền kinh tế lần đầu tiên trong hơn ba thập kỷ qua. Việc này cũng làm suy yếu đồng yên, đồng thời làm dấy lên lo ngại về tương lai của Nhật, một nền kinh tế vốn chủ yếu dựa vào xuất khẩu. Đồng thời, khi thời tiết nắng ấm, Nhật có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng, bởi mùa hè trước Nhật vẫn có 19 nhà máy điện hạt nhân hoạt động cung cấp năng lượng cho cả nước.



Về cơ bản, việc dừng sản xuất điện hạt nhân một lần nữa cho thấy ảnh hưởng đau thương của tai nạn xảy ra tại nhà máy Fukushima đã làm thay đổi thái độ của Nhật, một đất nước vốn là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh nhất đối với việc sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích dân sự.



"Ngày 11/3 làm rung chuyển Nhật Bản đến tận gốc rễ và cả những điều đã làm lên một nước Nhật thời kỳ hậu chiến", nhà kinh tế học và cũng là một chuyên gia trong các lĩnh vực năng lượng thuộc đại học Hitotsubashi ở Tokyo, Takeo Kikkawa nói. "Nước chúng tôi chịu đau thương bởi sự tàn phá của hai quả bom nguyên tử ở hai thành phố Hiroshima và Nagasaki, nhưng sau đó chúng tôi có công nghệ tiên tiến cũng như trình độ chuyên môn kỹ thuật để làm chủ nguồn năng lượng tuyệt vời này vì tiến trình kinh tế hòa bình. Chúng tôi nghĩ rằng tai nạn hạt nhân là điều chỉ có thể xảy ra ở các nước khác chứ không phải ở Nhật".



Với hy vọng xoa dịu nỗi lo lắng về an toàn của dân cư địa phương, chính phủ đã yêu cầu các đơn vị vận hành các nhà máy kiểm tra thử việc vận hành trong những điều kiện xấu nhất. Những mô phỏng trên máy tính được tạo ra để cho thấy các lò phản ứng có thể chống đỡ như thế nào với một thảm họa thiên nhiên khủng khiếp như trận động đất 9 độ Richter, cũng như trận sóng thần đã làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima I, dẫn đến hiện tượng tan chảy lõi ở ba lò phản ứng sau khi hệ thống làm mát ở những lò này bị hỏng.



Tuy nhiên rất nhiều lãnh đạo địa phương cho rằng kiểm tra thôi là chưa đủ và họ muốn có thêm bằng chứng về việc chính phủ đã rút ra bài học sau tai nạn Fukushima.



Cuộc tranh cãi về tương lai điện nguyên tử ở Nhật Bản đang diễn ra ở một làng chài 8.800 dân. Thị trấn này cách nhà máy bị tê liệt Fukushima I và các khu vực bị ô nhiễm vì các hạt bụi phóng xạ của nó 880 km về phía đông nam. Hai trong số các lò phản ứng ở nhà máy điện hạt nhân Ohi là những lò phản ứng đầu tiên thực hiện việc thử nghiệm chống chọi với các điều kiện xấu nhất, và vì thế chúng có tầm quan trọng đặc biệt trong tiến trình quyết định có đưa các lò phản ứng hạt nhân ở các nhà máy điện khác có thể hoạt động trở lại không.



Nhà máy Ohi được xây dựng trên một diện tích đất lớn, trải dài ở đây không bị thiệt hại bởi động đất hay sóng thần nhưng vẫn phải tạm thời dừng hoạt động theo quy định bắt buộc. Luật của Nhật yêu cầu cứ sau 13 tháng hoạt động, các lò phản ứng phải nghỉ để tiến hành kiểm tra định kỳ. Mỗi lần kiểm tra này sẽ mất khoảng ba hay bốn tháng. Tuy nhiên, từ năm ngoái, công ty Kansai Electric Power, đơn vị vận hành nhà máy Ohi sau khi cho dừng để kiểm tra định kỳ đã không khởi động lại được cả bốn lò phản ứng do sự phản đối của người dân địa phương.



“Sau khi chứng kiến những gì xảy ra ở Okuma, Futaba và Iitate, chúng ta không thể cứ để cho những nhà máy này hoạt động trở lại”, ông Shinobu Tokioka, thị trưởng của Ohi nói sau khi nhắc đến tên của các khu cư dân được sơ tán gần nhà máy Fukushima. Tuy nhiên, ông cho rằng cuối cùng thì các lò phản ứng sẽ được hoạt động trở lại bởi vì cộng đồng của ông cũng như các cộng đồng khác nữa cần việc làm ở nhà máy hay thu nhập khác từ đó.



Về nhiều phương diện, Nhật Bản vẫn đang trong quá trình phục hồi lại từ sau trận siêu động đất và sóng thần đã cướp đi sinh mạng của 19.000 người, cũng như đang khắc phục sự cố hạt nhân. Các thị trấn biển phía đông bắc bị những con sóng dữ san phẳng đã được dọn dẹp với hàng triệu tấn rác từ những đống đổ nát. Những thị trấn này cũng đang bắt đầu được xây dựng lại.



Tuy nhiên, với tai nạn hạt nhân ở nhà máy Fukushima I, ảnh hưởng của nó có khả năng sẽ kéo dài hơn, mặc dù cho đến giờ phút này tai nạn này chưa gây ra một ca tử vong nào. Nhật mới chỉ bắt đầu điều họ hứa hẹn là tẩy sạch phóng xạ, vốn còn phải mất nhiều thập kỷ, của những khu vực quanh nhà máy bị nhiễm xạ, nơi có tới gần 90.000 người dân bị mất nhà cửa. Nhật Bản cũng tìm kiếm các phương pháp hiệu quả để giám sát sức khỏe và bảo vệ nguồn cung cấp thực phẩm bị ô nhiễm. Các nhà khoa học chính phủ nói rằng lượng phóng xạ thoát ra bằng một phần năm lượng cesium phóng xạ ở thảm họa Chernobyl năm 1986.



Những cảm giác mới của sự mất lòng tin vào công nghệ và chính phủ đang tồn tại. Nhiều người Nhật giờ đây chỉ trích chính phủ đã cố tình giấu giếm thông tin về mức nguy hiểm thực sự của tai nạn hạt nhân. Ở thời điểm này, quốc gia nghèo nguồn tài nguyên cũng biết rằng họ không có nhiều nguồn thay thế hiệu quả cho điện hạt nhân, ít nhất là trong ngắn hạn.



Điều này đã khiến nhiều người Nhật thấy phân vân về việc liệu có tiếp tục sử dụng điện hạt nhân. Những cảm xúc mâu thuẫn này thấy rõ ở các khu dân cư tại nơi có nhà máy điện hạt nhân như Ohi. Từ một thị trấn nghèo khó, cuộc sống nơi đây đã trở nên thịnh vượng với việc người dân có thêm nhiều công ăn việc làm và nhà máy hạt nhân đã mang lại 450 triệu USD kể từ những năm 1970. Sau khi lắp đặt hệ thống đường ống nước trong nhà đầu tiên cho các cư dân và cải thiện đường giao thông, thị trấn chuyển sang xây dựng các dự án công cộng sang trọng. Những người dân ở thị trấn giờ đây tự hào có một khu nghỉ mát suối nước nóng, một khu phức hợp thể thao có bể bơi trong nhà cùng sân bóng chày và khu vui chơi trong nhà dành cho trẻ em có cả một con thuyền giả với kích thước to như thật đang lướt trên những quả bóng cao su.



Điều tương tự cũng xảy ra tại các khu dân cư dọc bờ biển tỉnh Fukui ở phía tây của Nhật Bản. Nơi đây được biết đến như “phố hạt nhân” bởi vì ngoài nhà máy Ohi, ở đây còn có ba nhà máy khác nữa.



"Chúng ta đã tự biến mình thành những con nghiện đồng tiền có được từ hạt nhân, cho đến khi sự cố Fukushima thức tỉnh chúng ta", Tetsuen Nakajima, 70 tuổi, trụ trì ngôi đền Phật giáo gần 1.200 năm tuổi ở Obama, thành phố láng giềng của Ohi, cho biết. Ông lo lắng cho sự an toàn của ngôi chùa cổ vì các nhà máy ở gần đó.



Cho đến nay, các cuộc kiểm tra khả năng chịu đựng của các lò phản ứng không giúp làm cho dư luận yên tâm hơn. Một phần có lẽ bởi các cuộc kiểm tra này được bắt đầu trước cả khi các nhà điều tra đưa ra kết luận về nguyên nhân thực sự nào đã dẫn đến sự cố Fukushima. Tháng trước, các nhà quản lý hạt nhân đã đưa ra một danh sách gồm ba mươi "bài học" rút ra từ tai nạn năm ngoái.



Trong một cuộc phỏng vấn, thị trưởng Ohi, ông Tokioka nói rằng danh sách đó vẫn chưa đủ, đồng thời ông đã nhắc lại nhu cầu về những hướng dẫn mới cho dù việc soạn thảo chúng phải mất nhiều tháng.



"Chính phủ phải cho chúng tôi thấy rằng họ đã học được gì từ những sai lầm ở Fukushima I”, ông Tokioka, 74 tuổi, nói.



Ông Tokioka cũng nói rằng ông nghĩ các lò phản ứng cuối cùng cũng sẽ được hoạt động trở lại, đặc biệt là khi việc dừng hoạt động các lò phản ứng đã bắt đầu làm tổn thương nền kinh tế địa phương hay làm gián đoạn nguồn cung cấp điện. Các khu cư dân khác cũng bày tỏ cảm xúc mâu thuẫn tương tự.



"Không ai lại muốn quay trở lại cuộc sống của 50 năm trước, không có điện thoại di động hay tivi," Mitsuyoshi Kunai, một ngư dân 54 tuổi đang ngồi đan lưới cách nhà máy Ohi vài km cho biết. "Fukushima đã khiến chúng tôi nhận thấy rằng năng lượng hạt nhân nguy hiểm, nhưng chúng tôi vẫn cần nó".




Cao Thu

(Theo

The New York Times

)













Liên kết tài trợ:
tin tuc online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét