Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Trinh tiết vẫn ám ảnh nhiều đàn ông Trung Quốc



Ma Fei, 39 tuổi và còn độc thân, được giới thiệu cho một cô gái là sinh viên trường kịch nghệ, rất xinh nhưng không còn trinh. Chàng từ chối với lý do "cô ta không xứng làm vợ tôi".


>

Trinh nữ 38 tuổi kêu gọi giữ cái ngàn vàng



Trên mạng, một chàng trai Trung Quốc khác phát biểu rằng các cô gái không còn trinh thì không xứng đáng được lấy chồng, vì những cô gái này là "rẻ tiền", phẩm giá thấp.



"Các cô không còn trong trắng thì còn mặt mũi nào mà lấy chồng?", anh ta viết.



Chàng trai này chỉ trích các cô gái có quan hệ tình dục trước hôn nhân là phẩm giá thấp, và đoán rằng bởi cô nào dễ dàng trao thân cho một người thì cũng dễ dàng trao thân cho những người khác nữa. Chỉ vài phút sau, ý kiến này nhận được hơn 100 lời bình luận với hơn một phần ba số người tán thưởng.



Đàn ông Trung Quốc thường đòi hỏi sự trong trắng của người phụ nữ trong khi bản thân mình thì không cần giữ gìn, đây là một thực tế chứng tỏ sự bất bình đẳng giới và sự bất công đối với người phụ nữ trong xã hội, các chuyên gia y tế và xã hội học tại Trung Quốc phát biểu trong ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.



Vấn đề trinh tiết vẫn là nỗi bức xúc trong mối quan hệ giữa hai giới ngày nay. Dù quan niệm vấn đề tình dục có được giải phóng phần nào trong vài thập kỷ trở lại đây nhưng quan niệm cổ hủ về trinh tiết với các cô dâu vẫn không thay đổi nhiều trong xã hội.



Guo Jianmei, giám đốc Trung tâm hỗ trợ pháp luật dành cho phụ nữ, cho biết vẫn còn phổ biến hiện tượng đàn ông, nhất là ở vùng nông thôn, đánh đập vợ trong đêm tân hôn khi phát hiện ra vợ không còn trong trắng. Trung tâm đã ghi nhận được hơn 1.000 vụ bạo hành gia đình mức độ nghiêm trọng vì lý do kể trên kể từ khi thành lập năm 1995. Khoảng 30% đàn ông rất giận dữ vì vấn đề trinh tiết của vợ.













Nhưng tình hình tại các thành phố cũng không khá khẩm hơn tại các vùng nông thôn. Ma Fei, năm nay 39 tuổi và đang độc thân, thường được người quen giới thiệu bạn gái cho.



"Bạn của bố tôi giới thiệu cho tôi một cô gái ở Học viện điện ảnh rất xinh, nhưng cô ấy không còn là con gái nữa nên tôi đã từ chối. Tôi phải thú thực tôi rất coi trọng trinh tiết của người tôi sẽ cưới làm vợ, nếu cô ấy đã mất "cái ngàn vàng" tôi phải biết vì sao", Ma nói.



Wang Xingjuan, giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý cho phụ nữ, đặt tại Bắc Kinh, nói những quan điểm này thể hiện sự bất công đối với phụ nữ. "Đàn ông luôn muốn phụ nữ còn trong trắng cho đến khi kết hôn trong khi việc họ qua lại với nhiều phụ nữ lại được coi là đào hoa và phong trần. Điều này quả là phân biệt đối xử."



Bà Wang kể lại câu chuyện một cô gái ở vùng quê ở tỉnh Liêu Ninh gọi điện đến nhờ bà giúp đỡ. Cô gái kể rằng mình chưa từng quan hệ tình dục trước hôn nhân nhưng đến đêm tân hôn chồng cô không thấy "ra máu" và buộc tội cô không còn nguyên vẹn và lang chạ với nhiều người đàn ông.



Cô nhờ bà Wang giải thích cho chồng mình hiểu về cấu tạo cơ thể nữ giới với một phần ba số phụ nữ sinh ra không có màng trinh và một phần ba số khác bị rách màng trinh khi còn nhỏ trong những hoạt động thường ngày, chỉ có một phần ba phụ nữ trên thế giới "ra máu" trong lần đầu quan hệ mà thôi. Cuối cùng, anh chồng đã hiểu ra và đôi vợ chồng làm lành với nhau.



Không chỉ các chàng trai đòi hỏi trinh tiết của vợ mình mà phía gia đình chồng cũng coi trọng chuyện trinh tiết của con dâu. Một cô gái trẻ về làm dâu một gia đình và bố mẹ chồng muốn biết tất cả về quá khứ của cô gái, đến khi họ điều tra ra được cô gái không còn trong trắng khi lấy con mình họ rất tức giận. Và sau nhiều cuộc cãi vã, đôi trẻ phải ly hôn, bà Wang kể về một trường hợp khác.



"Đây là biểu hiện cực đoan, thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ ăn sâu vào trong suy nghĩ của người Trung Quốc hàng ngàn năm nay", Xu Jin, giám đốc trung tâm chăm sóc sức khỏe tình dục tại Thanh Đảo, nói.














Tu Shiyou, nhân vật gây chấn động dư luận Trung Quốc với chứng nhận trinh tiết ở tuổi 38 và kêu gọi thanh niên tẩy chay tình dục trước hôn nhân.


Từ nhiều đời nay, đàn ông tại Trung Quốc luôn nhận được coi là trụ cột của gia đình và được xã hội coi trọng hơn, đàn ông luôn là người đặt ra luật lệ, trong đó có cả chuyện giữ trinh tiết của người phụ nữ cho đến ngày cưới. Ngoài ra còn chuyện năm thê bảy thiếp và vấn đề "tiết hạnh khả phong", không cho phụ nữ tái giá khi chồng chết cũng là những phân biệt đối xử tồn tại lâu đời ở Trung Quốc. Chuyện đa thê đã được dẹp bỏ, luật pháp quy định chế độ một vợ một chồng, còn trong thực tế xã hội, chuyện bồ bịch vẫn đầy rẫy, trong khi tái giá đối với phụ nữ là cực kỳ khó khăn.



Phong trào đấu tranh đòi quyền cho phụ nữ những năm đầu thế kỷ 20 đã thay đổi nhiều luật lệ truyền thống, và cải cách mở cửa những năm 1980 tạo ra nhiều cơ hội và địa vị hơn cho người phụ nữ, nhưng một số quan điểm truyền thống về trinh tiết vẫn không thay đổi là bao.



Theo Wang, người phụ nữ luôn trong trắng khi có quan hệ với người đàn ông mình yêu thương, chỉ không trong trắng khi làm điều đó vì tiền. "Chỉ có quan hệ vì tiền mới thể hiện sự không trong sáng của người phụ nữ, hạ thấp danh dự và tự trọng của họ".



Và Trung Quốc đang nỗ lực để thay đổi quan điểm bất công này đối với phụ nữ. Các nhà trường đã dạy về sinh lý từ các lớp học phổ thông, như nhiều nước khác trên thế giới. Các giáo viên dành nhiều tiết học để giảng dạy về sinh lý của phái nam và phái nữ, về sức khỏe, tình dục, sinh sản.



Tuy nhiên trước mắt vẫn còn những khó khăn và bất công đối với phụ nữ đang ở tuổi thanh niên và trung niên. "Ở những nước phát triển như ở châu Âu, tình dục thường được liên hệ với tình yêu chứ không liên quan đến màng trinh, nhưng địa vị xã hội của phụ nữ Trung Quốc quá thấp, họ không được tôn trọng như phụ nữ ở châu Âu", Wang nói.




Vũ Hà

(theo

China Daily

)





Liên kết tài trợ:
tin tuc online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét