Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Trường học ở làng phong



Từng một thời bị gọi bằng cái tên đầy kỳ thị như "làng hủi", "vùng đất bệnh tật" nhưng nay làng phòng Quỳnh Lập (Nghệ An) trở thành nơi học tập của không chỉ con em bệnh nhân phong mà còn của các vùng lân cận.



Trời rét căm căm, con đường độc đạo dẫn từ quốc lộ 1A xuống làng phong Quỳnh Lập (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) xa hun hút. Thỉnh thoảng lại bắt gặp những bệnh nhân phong chân tay cụt lủn bước đi trong gió biển ban chiều.



Làng phong Quỳnh Lập nằm cheo leo giữa một bên là biển, một bên là đồi núi. Đây là mái nhà chung của hơn 500 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phong - Da liễu trung ương Quỳnh Lập.



Cách đây hơn 50 năm, khi bệnh phong còn là một trong "tứ chứng nan y", trại phong Quỳnh Lập với khu bệnh viện và làng phong ra đời tại vùng đồi trọc đầy nắng và gió biển, trở thành cơ sở đầu tiên ở miền Bắc chữa trị căn bệnh quái ác. Thời kỳ cao điểm, làng phong có hơn 2.000 người đến tá túc, điều trị.












Phân hiệu trường cấp 2 ở Làng phong Quỳnh Lập. Mái nhà chung của con em trong và ngoài làng phong. Ảnh: Nguyên Khoa

Phân hiệu trường THCS ở Làng phong Quỳnh Lập - mái nhà chung của con em trong và ngoài làng. Ảnh:

Nguyên Khoa.



Ngày đó, nói đến làng phong nhiều người nghĩ ngay đến một vùng đất chết với căn bệnh hủi quái ác cùng những tấm thân không còn lành lặn. Thậm chí, nhiều người đã điều trị khỏi bệnh hoàn toàn nhưng cũng không dám quay trở về nhà với người thân vì sự kỳ thị, ghét bỏ và họ đành chấp nhận ở đây đến hết phần đời.



Sống trên "mảnh đất chết" ấy nhưng hàng trăm mối tình của các bệnh nhân phong vẫn nảy nở, đơm hoa kết trái và cho ra đời những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh, thông minh, không bệnh tật.



Những năm 1980, làng có hàng chục đứa trẻ khỏe mạnh không được đến trường bởi nơi đây nằm quá tách biệt với các khu dân cư. Một lý do đặc biệt, phụ huynh ở các trường học xung quanh không chấp nhận cho con em làng phong đến học vì sợ "lây bệnh hủi". Nhiều trẻ em làng phong vì thế phải chấp nhận cảnh thất học.



Lúc đó, thầy giáo Nguyễn Đức Thìn (quê Đình Bảng, Bắc Ninh, người sau này được phong là Anh hùng Lao động) đang trị bệnh phong ở Quỳnh Lập đã đứng ra vận động bà con mở lớp học để con em làng phong không bị đói cái chữ.



"Năm đó, được sự ủng hộ của các bác sĩ, nhiều cặp vợ chồng quyết tâm nhường lại phòng ở, phòng điều trị để làm nơi dạy học. Ngôi trường mang tên Lê Văn Tám ra đời năm 1981 và giáo viên chính là những thầy cô đang điều trị tại bệnh viện", bác Phạm Đình Tiến, Quản lý trưởng khu làng phong nhớ lại ngày mới lập trường.



Ban đầu, trường chỉ dạy chữ cơ bản cho các em nhưng số lượng trẻ ở làng phong ra đời ngày càng tăng, nhu cầu mở rộng trường lớp theo các cấp học rất lớn. Những dãy phòng học bằng tranh tre, nứa lá ra đời trở thành điểm đến hy vọng của hàng chục trẻ em làng phong. Trong khó khăn, nhiều đứa trẻ của làng đã vươn lên học giỏi, hoàn thành chương trình tiểu học, THCS rồi tìm lên trường huyện học THPT và trở thành sinh viên đại học, cao đẳng.



Rồi sự kỳ thị của người dân đối với các bệnh nhân phong cũng giảm dần. Nhiều người nhận thấy bệnh phong không dễ lây, con em bệnh nhân phong đều thông minh, học giỏi và hoàn toàn không mắc bệnh như cha mẹ họ. Địa phương cũng quan tâm và cho thành lập phân hiệu các trường mẫu giáo, tiểu học và THCS ở làng phong Quỳnh Lập. Kể từ đó, việc dạy và học ở làng cũng trở nên quy củ, chất lượng học ngày càng được nâng cao hơn.



Phụ trách lớp học ở làng phong hiện nay chính là con của các bệnh nhân phong, những người trưởng thành từ các lớp học tạm bợ bằng tranh tre, nứa lá năm xưa. Cô giáo Bùi Thị Oanh còn nhớ như in những ngày tháng mò mẫm đi tìm con chữ giữa vùng đất chết: "Ngày đó, để tiếp tục học lên cấp 2, cấp 3 những đứa trẻ làng phong phải thức dậy từ mờ sáng, đi bộ qua những ngọn núi và những bãi biển mới tới được trường. Thế nhưng chúng tôi vẫn cắn chặt răng quyết tâm 'có được cái chữ' để quay về giúp đỡ bố mẹ, giúp đỡ bà con mình".



Sau khi đỗ vào trường THPT của huyện rồi trở thành sinh viên sư phạm, cô giáo Oanh cùng với các thầy Lê Minh Đạt, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Văn Sơn... đều tình nguyện trở về làng dạy học. Trong bài giảng hàng ngày của họ, bên cạnh những nội dung trong sách giáo khoa, các thầy cô thỉnh thoảng đều kể lại cho các em nghe những khó khăn, gian khổ ngày đầu mới lập làng, những kỳ thị của người dân xung quanh và cả hành trình vượt núi đi tìm con chữ.












Cô giáo Bùi Thị Oanh bên những học trò của mình ở làng phong. Ảnh: Nguyên Khoa

Cô giáo Bùi Thị Oanh bên những học trò ở làng phong. Ảnh:

Nguyên Khoa.



Từ mấy lớp học đơn sơ ban đầu, hiện nay địa phương đã cho thành lập các trường mầm non, tiểu học và THCS ở làng phong Quỳnh Lập. Chất lượng học được nâng cao, nhận thức của người dân thay đổi khiến con em các vùng xung quanh tìm đến trường ở làng phong để học tập.



Ngoài những tên gọi kỳ thị như "xóm hủi", "vùng đất bệnh tật" thì nay làng phong còn có tên thân thương khác là "làng của những người hiền". Những bệnh nhân làng phong sống chan hòa tình cảm, con em học cũng rất ngoan hiền, lễ phép và ham học nên chất lượng của những lớp học trên mảnh đất địa đầu sóng gió này luôn đứng ở vị trí rất cao so với các trường học khác trong huyện Quỳnh Lưu.



Cô giáo Oanh cho biết, hiện có hơn 50 học sinh của làng đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và hầu hết đều tình nguyện trở về làm việc ở bệnh viện phong, dạy học và phục vụ bà con nơi đây.



"Trong ký ức của những đứa trẻ làng phong, những ánh nhìn, những lời bàn tán về bệnh hủi, về vi khuẩn hansen là điều đáng sợ nhất. Những lớp học ở làng phong là minh chứng rõ ràng nhất cho sự hồi sinh của những con người bị cộng đồng hắt hủi, xa lánh, là nơi không còn khoảng cách giữa trẻ em làng phong và trẻ em bên ngoài, nơi chắp cánh ước mơ cho những đứa trẻ sinh ra ở vùng đất chết", Trưởng khu điều trị làng phong Nguyễn Đức Tiến tâm sự.




Nguyên Khoa





Liên kết tài trợ:
tin tuc online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét