Thứ Hai, 2 tháng 1, 2012

Jazz là cuộc sống, Việt Nam là quê hương



TT - Đó là điều Nguyên Lê - nghệ sĩ nhạc jazz người Pháp gốc Việt - đã nói trong chuyến trở về Việt Nam lần thứ hai trong năm 2011.
















Nhạc sĩ Nguyên Lê trong buổi tập trước đêm diễn - Ảnh: Nguyễn Khánh


Chính âm nhạc đã đưa một người Việt sinh ra lớn lên trên đất Pháp, không thể nói tiếng Việt nhưng vẫn thấu hiểu và yêu quê hương mình. Âm nhạc của Nguyên Lê là loại âm nhạc kết hợp giữa chất jazz hiện đại và những điệu hát dân gian Việt Nam. Những bản nhạc khiến một tâm hồn gần với quê nhà, khiến cả thế giới cảm nhận được Việt Nam sẽ được chính Nguyên Lê trình tấu trong hai đêm diễn 25-12 (tại Hà Nội) và 27-12 (tại TP.HCM).



Bên lề buổi tập, nghệ sĩ Nguyên Lê dành cho

Tuổi Trẻ

cuộc trò chuyện ngắn:



* Chuyến trở về quê nhà lần thứ hai trong năm, cảm xúc của ông khi chơi nhạc trên chính quê hương mình như thế nào, thưa ông?



- Thật ra, trước đây tôi đã chơi nhạc trên nền nhạc cổ truyền Việt Nam. Chuyến trở về lần đầu tiên bảy năm về trước, tôi không làm việc với các nhạc sĩ Việt Nam mà đi với nhóm nhạc của tôi. Đến bây giờ làm việc với các nhạc công, ca sĩ Việt Nam, tôi tự hào mình là người Việt Nam, tôi cảm nhận mối liên hệ trực tiếp hơn.



* Nhưng sau khi trở thành nghệ sĩ chơi guitar, theo đuổi dòng nhạc jazz, world music, điều gì thôi thúc ông quay lại với những điệu hát dân gian Việt Nam?



- Vào năm 1989 khi tôi làm album đầu tiên, câu hỏi đặt ra đối với tôi là: bản sắc của mình ở đâu. Vì khi đưa sản phẩm của mình ra công chúng, bạn phải cho người ta thấy cái gì là độc đáo, cái gì là bản sắc của bạn. Nếu chỉ giới thiệu cái giống với người khác thì chẳng có gì gọi là bản sắc cả. Tất nhiên, ban đầu tôi đã chọn dòng nhạc jazz làm ngôn ngữ để thể hiện cảm xúc của mình.



Tuy nhiên để đào sâu hơn, thể hiện rõ hơn bản sắc của mình, tôi đã quay lại dòng nhạc dựa trên nền tảng âm nhạc truyền thống Việt Nam vì tôi là người Việt. Âm nhạc truyền thống Việt Nam cho phép tôi tìm thấy nguồn gốc của mình.



* Jazz không còn là độc quyền của người da đen nữa, đã có jazz Pháp, jazz Bắc Âu... và Nguyên Lê đã cho thế giới biết đến nhạc jazz kết hợp với nhạc dân gian Việt Nam. Vậy hướng đến và khẳng định bản sắc jazz Việt Nam có nằm trong dự định của ông hay không?



- (Cười). Đấy là điều tôi đã làm từ rất lâu rồi. Như tôi đã nói, biểu tượng của âm nhạc thế giới vào thời kỳ trước là âm nhạc châu Âu, châu Mỹ. Nhưng hiện nay mọi dân tộc, mọi nền văn hóa đều có cơ hội thể hiện bản sắc âm nhạc của mình. Vấn đề của chúng ta ở đây là phải thể hiện âm nhạc Việt Nam, bản sắc Việt Nam mà thế giới có thể nghe được.



Ngay ý tưởng đầu tiên khi tôi pha trộn âm nhạc truyền thống và những bản hòa tấu jazz là để người nước ngoài hiểu được những giai điệu rất đẹp của nền âm nhạc Việt Nam. Một điều thú vị mà tôi nhận thấy là nhiều người Việt Nam khi nghe nhạc jazz pha trộn với nhạc dân gian Việt Nam, họ đã có những mối quan tâm lớn hơn đối với bản thân âm nhạc truyền thống.



* Trở lại với đêm diễn Quê nhà, sự có mặt lần đầu tiên của Mỹ Linh sẽ mang đến điều đặc biệt gì bên cạnh Tùng Dương và Vân Ánh?



- Trong đêm diễn sắp tới, Mỹ Linh sẽ hát những bài trước đây Vân Ánh hát như Lý ngựa ô, Thỏa nỗi nhớ mong, Qua cầu gió bay và một bài riêng của cô ấy là Trên đỉnh Phù Vân. Riêng với Lý ngựa ô, cô ấy cho thấy mình có một năng lượng tuyệt vời. Tùng Dương cũng thế, năng lượng của anh ấy thật đáng kinh ngạc. Tuy nhiên, mỗi người có bản sắc riêng.












Đã có rất nhiều mồ hôi đổ xuống trong buổi tập giữa Nguyên Lê với các nghệ sĩ Việt Nam: Tùng Dương, Mỹ Linh, nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc Vân Ánh và ban nhạc Anh Em trước đêm diễn ngày 25-12. Thật sự có một cuộc rượt đuổi để theo kịp cảm xúc và phong cách chơi nhạc của người được đánh giá là một trong những nghệ sĩ nhạc jazz hàng đầu châu Âu hiện nay.



Mỹ Linh thừa nhận: “Lần đầu tiên kết hợp với dòng nhạc jazz của anh Nguyên Lê, nhiều đoạn vào nhạc tôi bị vấp, nhưng thật sự đây là những trải nghiệm hết sức thú vị”.



Còn nghệ sĩ chơi nhạc dân tộc Vân Ánh chia sẻ: “Tuy là world music nhưng với những bản hòa âm của Nguyên Lê, nếu ban nhạc vào chậm một phách thì chỉ còn cách quay lại từ đầu. Nhưng nếu một năm ba lần được làm việc cùng Nguyên Lê, trình độ của các nghệ sĩ sẽ “nâng cao theo chiều thẳng đứng”.




HÀ HƯƠNG thực hiện



Liên kết tài trợ:
tim viec lam,tuyen dung,game truc tuyen

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét