Thứ Năm, 23 tháng 2, 2012

Xây nhà xa hoa, ngôi sao chính trường Hong Kong vụt tắt



Việc xây dựng trái phép một tầng hầm sang trọng trong khuôn viên tư gia đã khiến cơ hội trở thành tân lãnh đạo Hong Kong của ông Henry Tang tiêu tan trong phút chốc.


>

Cuộc sống ngột ngạt của người nghèo Hong Kong














Ông Henry Tang. Ảnh:

AFP



Ông Henry Tang, một cựu quan chức cấp cao Hong Kong, đang đối mặt với sức ép gay gắt từ dư luận, đòi ông chấm dứt chiến dịch tranh cử trưởng đặc khu hành chính, vị trí cao nhất trong chính quyền Hong Kong.



Từ lâu đã được xem ứng viên tiềm năng được chính quyền trung ương hậu thuẫn, uy tín của ông Tang giảm sút rõ rệt sau hàng loạt sai sót trong những tháng gần đây. Tuần trước, ông thừa nhận đã xây dựng một căn hầm trong biệt thự riêng mà không có giấy phép chính quyền. Vụ việc này trở thành đề tài nóng cho báo chí địa phương và "điểm yếu" cho các đối thủ chính trị bắt thóp.



"Tôi không nghĩ ông ấy có thể cứu vãn được uy tín", Alan Leong, một nghị sĩ thuộc Hội đồng Lập pháp Hong Kong, kiêm lãnh đạo đảng Dân sự nói. "Nếu ông ấy không thể giải quyết các vấn đề cá nhân thì làm sao điều hành chính quyền được?".



Các nhà quan sát chính trị nhận định rằng những áp lực đang đeo bám ông Tang cho thấy công chúng đang ngày càng thất vọng về chính trị và kinh tế Hong Kong. Họ cho rằng quyền lực ở đây được thâu tóm trong một nhóm nhỏ thuộc tầng lớp thượng lưu, những người không hề có sự mối liên hệ với người dân.



Thách thức đối với tất cả các ứng viên Hong Kong là "chứng minh rằng mình đang bảo lợi ích và quyền tự chủ của Hong Kong", ông Jean-Pierre Cabestan, đứng đầu các nghiên cứu về chính phủ và quốc tế thuộc đại học Baptist Hong Kong nói. "Một trong những chủ đề mà chiến dịch tranh cử cần hướng đến đó là giải quyết bất bình đẳng xã hội và tạo một quy luật cạnh tranh công bằng. Tôi không biết liệu có ai sẵn sàng chiến đấu vì những mục tiêu trên không, có chính trị gia nào có đủ dũng cảm để phát biểu điều đó không".



Cuộc bầu cử bầu lãnh đạo Hong Kong năm nay dự kiến sẽ không có gì mới so với các đợt bỏ phiếu khác kể từ năm 1997. Ngày 25/3 tới, Ủy ban Bầu cử Hong Kong, gồm 1.200 thành viên đại diện cho các nhóm kinh doanh và xã hội khác nhau, sẽ bầu ra trưởng đặc khu. Các nhà quan sát chính trị và các học giả đều nhận thấy rằng phần đa các thành viên của ủy ban này đều lấy ý kiến từ Bắc Kinh để quyết định ứng viên mà họ ủng hộ.



Cả ông Tang và đối thủ chính của ông trong cuộc tranh cử này là CY Leung, một cựu thành viên cấp cao thuộc Hội đồng Lập pháp, đều được xem là các ứng viên tiềm năng do đại lục đề xướng. Ứng viên thứ ba là Albert Ho, được nhận định là có rất ít cơ hội chiến thắng.



Tuần trước, ông Tang đã rất chật vật để giải thích về công trình trái phép trong khuôn viên nhà ông. Ông cho hay ngôi nhà thuộc sở hữu của vợ chứ không phải của ông. Tang nói người vợ đã xây dựng căn hầm mà ông không hay biết. Các nguồn tin cho hay tầng hầm mới xây này rộng hơn 200 mét vuông, bao gồm một hầm rượu vang, một rạp chiếu phim tại gia và một phòng tắm kiểu Nhật Bản. Ông Tang bác bỏ sự miêu tả trên và nói rằng tầng hầm chỉ dùng để cất đồ đạc.



Dù thực hư chữa rõ ràng nhưng những thông tin trái chiều trên đã tác động mạnh mẽ đến công chúng. Một cuộc bỏ phiếu tuần trước, do đại học Hong Kong tổ chức và được

South China Morning Post

công bố, cho thấy hơn một nửa trong số 516 người tham gia khảo sát cho rằng ông Tang nên từ bỏ cuộc đua và gần 80% nghi ngờ về sự liêm khiết của ông.



Ông Tang, 59 tuổi, sinh ra trong một gia đình giàu có ở Thượng Hải và không liên quan đến đảng phái chính trị nào. Hồi tháng 9/2011, ông đã từ chức tổng thư ký, chức vụ cao thứ hai của chính quyền Hong Kong, để chạy đua trở thành trưởng đặc khu. Đến tháng 10, khi dư luận đang đồn đại về chuyện ông quan hệ bất chính, ông Tang thừa nhận đã mắc phải sai lầm trong cuộc sống hôn nhân.



Tháng 5 năm ngoái, sau khi cư dân Hong Kong tổ chức biểu tình chống tăng giá nhà cũng như việc tầng lớp thượng lưu thống lĩnh nền kinh tế, ông Tang phát biểu rằng thanh niên Hong Kong nên học tập Li Ka-shing, một ông trùm giàu có ở đây, chứ đừng ngồi than phiền về khoảng cách ngày một nới rộng ra giữa người giàu và người trung lưu.



Các nhà phân tích cho hay các cuộc biểu tình trên chỉ là một khía cạnh, phản ánh sự thất vọng của người dân Hong Kong về các dịch vụ công và nhà ở, và sự bất bình khi họ không có tiếng nói trong hệ thống chính trị. Nỗi thất vọng ấy đã làm "méo mó" cả quan điểm của người Hong Kong về đại lục. Nhiều người đổ lỗi cho người đại lục đẩy giá nhà ở và làm rối loạn các dịch vụ công cộng. Số phụ nữ đại lục đổ đến Hong Kong sinh con đã nhiều đến mức chính quyền địa phương phải ra chỉ thị hạn chế số lượng phụ nữ có thai của đại lục đến các bệnh viện ở Hong Kong.



Ông Cabestan, đại học Baptist Hong Kong nói. "Người dân địa phương đang thất vọng hơn bao giờ hết và ngày càng có nhiều người cảm thấy mình bị đẩy ra bên lề khi hàng loạt kẻ giàu có thi nhau đến đây".




Anh Ngọc

(theo

NY Times

)





Liên kết tài trợ:
tin tuc online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét